Tân nhạc hình thành 1938 Nhạc_tiền_chiến

Năm 1938 được coi là điểm mốc đánh dấu sự hình thành của tân nhạc Việt Nam với những buổi biểu diễn và thuyết trình của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên tại Hà Nội.

Cuối thập niên 1930, nhiều nhạc sĩ khác bắt đầu sáng tác ca khúc như Bẽ bàng (1935), Nghệ sĩ hành khúc (1936) của Lê Yên, Tiếng sáo chăn trâu (1935), Bên hồ liễu (1936), Bóng ai qua thềm (1937) của Văn Chung, Xuân năm xưa (1936) của Lê Thương. Nhưng các nhạc sĩ đó sáng tác và trình bày những ca khúc của mình chỉ trong phạm vi bạn bè. Nguyễn Văn Tuyên là người đầu tiên trình bày ca khúc nhạc cải cách trước công chúng và sau đó những bài hát này được phổ biến rộng rãi trên báo chí.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên khi đó ở Sài Gòn, là người Việt duy nhất tham gia hội Ái Nhạc (Philharmonique). Ông bắt đầu hát nhạc Tây và đạt được cảm tình của báo chíradio. Năm 1937 Nguyễn Văn Tuyên phổ 1 bài thơ của 1 người bạn và viết thành ca khúc đầu tiên của ông. Nhà thơ Nguyễn Văn Cổn, khi đó làm việc cho đài Radio Indochine, có đưa thơ cho Nguyễn Văn Tuyên và giúp ông soạn lời ca. Nguyễn Văn Cổn còn giới thiệu ông với thống đốc của Nam Kỳ (Cochinechina) khi đó là Pagès (có tài liệu ghi Rivoal). Thống đốc Nam Kỳ nghe Nguyễn Văn Tuyên hát và đã mời ông du lịch tới Pháp để tiếp tục học nhạc, nhưng Nguyễn Văn Tuyên từ chối vì lý do gia đình. Thay vì vậy ông lại đề nghị và được thống đốc Pagès tài trợ đi 1 vòng Việt Nam tới các thành phố Huế, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định để quảng bá những bài nhạc mới này. Chính Nguyễn Văn Cổn là người đặt tên cho loại nhạc mới là "âm nhạc cải cách" (musique renovée).

Tới Hà Nội vào tháng 3/1938, Nguyễn Văn Tuyên có nói chuyện tại hội Trí Tri. Nhưng trong cuộc vận động cải cách, ông đã gặp 1 cử tọa đông đảo, ồn ào không trật tự. 1 phần thất bại buổi đó do giọng nói địa phương của ông được ít người hiểu. Hơn nữa, có thể nhiều thanh niên Hà Nội lúc đó cho rằng việc hô hào của ông là thừa, vì bài hát cải cách đã có sẵn tại đó.

Tại hội Tri Tri Hải Phòng, Nguyễn Văn Tuyên đã may mắn hơn. Tuy số khán giả chỉ độ 20 người, nhưng ông đã có người thông cảm. Trong buổi nói chuyện này, một vài nhạc sĩ của Hải Phòng cũng trình một bản nhạc mới của miền Bắc. Sau đó nhân kỳ hội của trường Nữ Học Hoài Đức, Nguyễn Văn Tuyên còn trình bày tại rạp chiếu bóng Palace một lần nữa. Và lần này cử tọa rất tán thưởng giọng hát của ông trong bài Bông cúc vàng.

Tờ Ngày Nay của Nhất Linh, một tờ báo uy tín bấy giờ, số 121 ra ngày 31/7/1938 đã đăng bài hát đầu tiên, bài Bình minh của Nguyễn Xuân Khoát lời ca của Thế Lữ, và sau đó là các bản Một kiếp hoa của Nguyễn Văn Tuyên, Bản đàn xuân của Lê Thương, Khúc yêu đương của Thẩm Oánh, Đám mây hàng, Cám dỗ của Phạm Đăng Hinh, Đường trường của Trần Quang Ngọc... ở các số tiếp theo.

Nhiều ca khúc sáng tác từ trước được các nhạc sĩ phát hành. Đầu 1939, nhiều bản nhạc của các nhóm, nhạc sĩ được bày bán tại các hiệu sách. Tân nhạc Việt Nam chính thức hình thành.